image banner
   
Lịch sử hình thành và phát triển
Sơn Hòa là một trong ba huyện miền núi của tỉnh, được thành lập từ năm Thành Thái thứ 11 (năm 1899) đến nay vừa tròn 120 năm. Địa phương này là nơi hội tụ, sinh sống hòa thuận của các dân tộc anh em như: Kinh, Chăm Hroi, Ê Đê, Ba Na… với nét văn hóa đa dạng và phong phú, mang giá trị đặc trưng.

Vùng đất 120 năm tuổi

Để tiện việc trị lý, năm Kỷ Hợi, niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899), trong xu thế phát triển chung và yêu cầu cai quản của triều Nguyễn, các đơn vị hành chính cấp phủ, huyện trong cả nước một lần nữa được thay đổi cho phù hợp với thực tại.

Tỉnh Phú Yên cũng có sự thay đổi quan trọng, đó là: “Đặt chức tri huyện - huyện Đồng Xuân, cho lệ thuộc vào phủ Tuy An; cho huyện Tuy Hòa thành phủ. Tách 3 phủ huyện miền thượng du là Tuy An, Tuy Hòa, Đồng Xuân đặt làm huyện Sơn Hòa.

Huyện lỵ đặt ở thôn Củng Sơn, chu vi 260 thước với 4 tổng: Sơn Bình, Sơn Xuân, Sơn Lạc, Sơn Tường; có 47 làng và 1.114 suất đinh (theo thống kê năm 1910 thời vua Duy Tân)”.

Về địa giới hành chính, lúc bấy giờ huyện Sơn Hòa đông giáp phủ Tuy An và phủ Tuy Hòa, tây giáp đạo Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk, bắc giáp huyện Đồng Xuân, nam giáp tỉnh Khánh Hòa.

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, Sơn Hòa dưới thời các Chúa Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn vừa là “phên dậu”, vừa là cửa ngõ thông thương với Thủy xá và Hỏa xá. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên vùng đất Sơn Hòa liên tiếp diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, tộc trưởng, già làng yêu nước đã có sức lan tỏa rất lớn trong toàn vùng Tây Nguyên.

Những năm cuối thế kỷ XIX, nhân dân Sơn Hòa hưởng ứng tham gia phong trào Văn thân Cần Vương, trong đó: vùng đất Vân Hòa là hậu đồn phòng thủ của quân thứ Xuân Vinh do Lê Thành Phương - thủ lĩnh phong trào trực tiếp chỉ huy.

Khi Nguyễn Hào Sự kế tục sự nghiệp dang dở của Lê Thành Phương thì Hòn Ông, thôn Phú Hội (tức Tổng Binh nay thuộc xã Sơn Hội) thành nơi tích trữ quân lương, rèn khí giới. Do đó, người dân Sơn Hòa đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Sơn Hòa là vùng căn cứ địa cách mạng, từng tên đất tên làng đã gắn liền với những chiến công hiển hách, vẻ vang của quân và dân tỉnh Phú Yên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng và Nhà nước đã ghi nhận công lao, thành tích trong kháng chiến chống thực dân đế quốc xâm lược của quân và dân Sơn Hòa; huyện Sơn Hòa và 7 xã: Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định, Sơn Hội, Suối Trai đã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Quân và dân Sơn Hòa đã viết những dòng rực rỡ vào trang sử hào hùng của quê hương Phú Yên.

Suốt chiều dài 120 năm, vùng đất Sơn Hòa cũng đã nhiều lần thay đổi về địa danh, địa giới hành chính, như: Sơn Hòa (nhập huyện Tây Nam và Sơn Hòa), Tây Sơn (nhập huyện Sơn Hòa và huyện Miền Tây) và ngày 27/12/1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 179/HĐBT chia huyện Tây Sơn thành hai huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

anh tin bai

Tiếp bước đi lên

Sau năm 1975, đồng bào Sơn Hòa trở về làng cũ, xây dựng lại cuộc sống mới. Đảng bộ, quân và dân toàn huyện khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh; đẩy mạnh sản xuất, tập trung ổn định đời sống. Bắt đầu lại từ số không, huyện phải đối mặt với muôn vàn khó khăn; xuất phát của nền kinh tế thấp, tư liệu sản xuất thô sơ, đất đai hoang hóa, cơ sở hạ tầng hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng, lực lượng sản xuất vừa thiếu, vừa yếu; các hoạt động sản xuất chủ yếu bằng thủ công…

Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm và nghị lực kiên cường, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã đồng tâm, hiệp lực ra sức thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương, từ đó bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Với vị trí quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây, là địa bàn trọng yếu về chiến lược quốc phòng - an ninh của tỉnh Phú Yên, những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, tỉnh cùng với sự nỗ lực, cố gắng của địa phương, hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc không ngừng phát triển đáp ứng yêu cầu về phát triển và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cơ sở vật chất y tế, văn hóa, giáo dục được tăng cường đầu tư từng bước phục vụ tốt và góp phần đáng kể trong nâng cao đời sống, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

Bám sát quan điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, những năm qua, huyện Sơn Hòa luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ trong xây dựng, phát triển. Cụ thể, về chính trị, tư tưởng, luôn tạo ra sự đoàn kết, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị trong định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và tạo được niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân.

Về kinh tế, huyện tập trung phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cho đầu tư phát triển, thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế. Ở lĩnh vực xã hội, đời sống của nhân dân có sự chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi đáng kể. Quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo giữ vững ổn định.

Nhờ có các chính sách đúng đắn, kịp thời, đời sống người dân trên địa bàn huyện đã dần đi vào ổn định. Thu nhập của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện; các chế độ, chính sách dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 giảm xuống còn 15,31%, giảm sâu so với năm 2000 là 40%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,7 triệu đồng/người, tăng hơn 19 lần so với năm 1989. Cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch tích cực, tỉ trọng nông - lâm nghiệp chiếm khoảng 1/3 cơ cấu kinh tế; tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ chiếm gần 70%. Tổng diện tích gieo trồng đầu năm 2019 tăng 2,6 lần so với năm 1989. Thu ngân sách địa phương tăng từ 659 triệu đồng (năm 1989) lên 54,7 tỉ đồng vào cuối năm 2018...

Những kết quả trên là minh chứng thực tế, thể hiện việc xác định đúng đắn về chủ trương và định hướng của Đảng bộ huyện trong đầu tư phát triển, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của huyện trong chặng đường qua.

Kỷ niệm 120 năm thành lập huyện Sơn Hòa là sự kiện để khẳng định dấu mốc quan trọng trong lịch sử về sự hình thành của quê hương và cũng là dịp để mỗi người dân Sơn Hòa ôn lại truyền thống vẻ vang, tri ân những đóng góp của các thế hệ tiền nhân suốt quá trình xây dựng và phát triển…

Đặc biệt, Đảng bộ và nhân dân Sơn Hòa hết sức vinh dự và tự hào được đón nhận danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, thể hiện sự ghi nhận và biểu dương những thành tích Đảng bộ, quân và dân Sơn Hòa đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống cách mạng, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn Hòa tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng kiên cường; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; phát huy nội lực, tăng cường thu hút các nguồn đầu tư cho phát triển.

Quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Tăng cường quốc phòng - an ninh, tạo môi trường chính trị xã hội ổn định. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo bước chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Hòa lần thứ XI đã đề ra và xứng đáng với truyền thống của một huyện anh hùng.

 

Tin liên quan
THÔNG TIN LIÊN HỆ
UBND huyện Sơn Hòa
Địa chỉ: 19, Đường Trần Hưng Ðạo, Thị Trấn Củng Sơn, Huyện Sơn Hòa, Phú Yên
Điện thoại: 02573.640.288
Email: sonhoa@phuyen.gov.vn
Website: https://sonhoa.phuyen.gov.vn/