image banner
  
   
CHUNG TAY XÓA BỎ TÀ ĐẠO

    Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước và Luật Tín ngưỡng tôn giáo luôn thể hiện rõ mục tiêu tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những người có đạo cũng như sự hòa nhập của các tôn giáo vào cuộc sống của xã hội ngày nay. Điều đó đã được các tôn giáo ghi nhận thông qua việc chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo xây dựng tổ chức, duy trì hoạt động phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân. Tuy nhiên thời gian gần đây, có những cá nhân, tổ chức lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân để xuyên tạc, bóp méo sự thật về chính sách tôn giáo của đảng, nhà nước, lôi kéo người dân tham gia các laoij tà đạo. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ một số thông tin cơ bản để cộng đồng có thể nhận diện được đâu là tôn giáo và đâu là các loại tà đạo.

    * Tôn giáo là gì: theo Điều 2, Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 quy định về tôn giáo, tín ngưỡng như sau:

    “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”

     “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”

    Như vậy có thể hiểu ngắn gọn: tôn giáo thì có giáo lý, giáo luật, có các lễ nghi và có cơ cấu tổ chức hợp pháp: như Phật giáo, Công giáo, Tin lành... còn tín ngưỡng là những lễ nghi gắn với phong tục tập quán không trái với các quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục  của người Việt Nam như: thờ cúng ông bà tổ tiên, lễ hội bỏ mả của người DTTS...

    * Tà đạo là gì: hiện nay, chưa có một định nghĩa nào về tà đạo được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với các yêu cầu về dân chủ, nhân quyền, ngoại giao...nên  việc định nghĩa tà đạo sẽ rất khó.

    Tuy nhiên, ở góc độ nhận thức cơ bản có thể hiểu đơn giản: tà đạo là một loại hình hoạt động lợi dụng niềm tin của người dân để phục vụ lợi ích của giáo chủ- kẻ sáng lập ra tà đạo đó. Cũng có những cách gọi khác nhau về tà đạo như “đạo lạ”, “hiện tượng tôn giáo mới”, tuy nhiên bản chất vẫn là vì lợi ích của một hoặc một nhóm người.

    * Cách phân biệt tôn giáo với tà đạo: Có nhiều cách để chúng ta nhận biết và phân biệt giữa tôn giáo với tà đạo, ở bài này tác giả xin chia sẻ những cách sau đây:

    - Thứ nhất: Hiện nay, các loại tà đạo không có tài liệu chính thống được Nhà nước cấp phép xuất bản. Đa số các loại tà đạo hiện nay sử dụng những loại sách, tranh ảnh sản xuất lậu, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc xuất xứ từ nước ngoài, được các đối tượng truyền nhau hoặc gửi qua các dịch vụ.

    - Thứ hai: các loại tà đạo không có các chức sắc, chức việc hợp phát, được nhà nước công nhận cho hoạt động. Tất cả các đối tượng tự xưng là “thầy”, là “Minh sư”, là “sư phụ”...đều là các dạng tự vỗ ngực xưng danh, tự cho mình có các quyền năng để lừa bịp là chính.

    - Thứ ba: các tà đạo thường hoạt động lén lút, né tránh chính quyền và các cơ quan chức năng. Đây là một trong những nét đặc trưng của các loại tà đạo. Cũng có những hoạt động tưởng là công khai như: phát tờ rơi, cho sách, tài liệu...nhưng thực ra các hoạt động trên là trái phép.

    - Thứ tư: yếu tố vật chất, lợi ích ở các tà đạo luôn được các đối tượng triệt để lợi dụng. Cũng có thể lúc đầu khi mới tham gia yếu tố lợi ích chưa đặt nặng, nhưng khi người theo bị chúng dùng những lời lẽ ngon ngọt để lừa bịp như: theo sẽ được lành bệnh, sẽ được khỏe, được tốt...để dùng tiền mua những thứ vô bổ.

    Tóm lại nếu như chúng ta có niềm tin tôn giáo thì hãy đến các cơ sở thờ tự công khai để hành lễ, nếu có tín ngưỡng thì hãy giữ gìn những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

    Còn đối với các loại tà đạo nên chung tay bài trừ, lên án để xóa bỏ khỏi cuộc sống hàng ngày./.
Ma Trung
Liên hệ
UBND huyện Sơn Hòa
Địa chỉ: 19, Đường Trần Hưng Ðạo, Thị Trấn Củng Sơn, Huyện Sơn Hòa, Phú Yên
Điện thoại: 02573.640.288
Email: sonhoa@phuyen.gov.vn
Website: https://sonhoa.phuyen.gov.vn/