image banner
  
   
Học tập Bác dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Dám nghĩ, dám làm là phẩm chất cao quý của con người, biểu hiện ở việc tự mình đưa ra quan điểm, chính kiến riêng một cách đúng đắn, dám đấu tranh bảo vệ quan điểm, không phụ thuộc, không ngại khó, ngại khổ để thực hiện những ước mơ, dự định đặt ra.

    Xuất phát từ  "ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", Bác Hồ đã có được một nghị lực phi thường, sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm việc không ngừng cho dân, cho nước.

    Qua những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, với cách suy nghĩ, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của mình, Bác sẵn sàng từ bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp như hệ tư tưởng phong kiến hay hệ tư tưởng tư sản. Bác khẳng định, chấp nhận cái mới, phù hợp với quy luật khách quan, với sự tiến triển của xã hội và thuận với lòng dân. Đó là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đưa đất nước tiến lên CNXH.

    Nhìn lại suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới, có nhiều cán bộ, đảng viên rất tâm huyết, vì nước, vì dân; có tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm; có bản lĩnh chính trị, nhận thức và hành vi đúng mực; luôn kiên định đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, đó là:

    - Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước

    - Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong kháng chiến luôn kiên cường bám dân, bám đất; trong xây dựng luôn mạnh dạn vượt qua tư duy cũ kỹ, lạc hậu, có nhiều ý tưởng, đề xuất đã được đưa vào văn kiện Đại hội, góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng

    - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển, với phương châm "những việc cần làm ngay"

    - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc - người đề ra nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, sáng tạo, "phá rào" trong đổi mới nông nghiệp khi thực hiện giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân những năm 1966-1968

    - Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính có quyết định đổi mới tư duy, thực hiện "cơ chế một giá theo thị trường", xóa bỏ tem phiếu

    - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ và các lão thành cách mạng đã mạnh dạn cho phép nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm "Kế hoạch 3 phần" của bà Nguyễn Thị Ráo (còn gọi là bà Ba Thi) phá rào thu mua gạo, bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của TP Hồ Chí Minh từ cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980

    Những tấm gương tiêu biểu ấy, với những câu chuyện huyền thoại đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm, bài học quý cho thế hệ sau kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới; bài học ấy luôn là động lực để cán bộ, đảng viên hôm nay soi chiếu và tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

    Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng "sợ sai", "sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang có chiều hướng gia tăng, trở thành chủ đề tranh luận nóng khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội trong những phiên họp mới đây. Hiện tượng này không còn mang tính cá biệt mà đang diễn ra ở nhiều nơi, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng hoặc không có kiến thc, sự hiểu biết pháp luật

    Căn bệnh sợ trách nhiệm đang khiến cho việc giải quyết nhiều công việc chính đáng của người dân, của doanh nghiệp bị đình trệ; làm kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan Nhà nước.Tình trạng trên là hệ lụy của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ không dám làm, không dám nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai công việc hoặc triển khai cầm chừng nhằm che giấu những dấu vết sai phạm

    Ở một số cán bộ khác là những người thiếu bản lĩnh, trình độ và năng lực yếu kém, được đề bạt, bổ nhiệm không trong sáng nên "ngồi không đúng chỗ", không thể thực thi công việc được giao. Vấn nạn trên không chỉ xảy ra ở những thành phố, đô thị lớn có tính chất phức tạp mà cũng có thể dễ dàng nhận diện được ở nhiều địa phương trong cả nước. Cán bộ, công chức đứng trước sự lựa chọn giữa - không làm thì không sai - với làm thì vi phạm quy định, vi phạm pháp luật, do đó, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu bản lĩnh, trí tuệ đã co cụm, cầu an, sợ sai, sợ trách nhiệm, thận trọng quá mức trong điều hành, xử lý công việc chung

    Để học tập Bác về tinh thần tiên phong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không "sợ sai", không "sợ khuyết điểm" cần có các giải pháp toàn diện, căn cơ và quyết liệt hơn

    Mới đây, ngày 22/12/2023, theo sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Kế hoạch số 164-KH/HU về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2025, chuyên đề có tên gọi là: Đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền trong toàn huyện nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, yếu kém đang tồn tại trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay

    Để tổ chức thực hiện tốt, vấn đề quan trọng nhất là cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện để có đầy đủ phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Coi trọng việc phát huy trí tuệ, bản lĩnh, dám đấu tranh đấu tranh quyết liệt với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

    Các cấp uỷ, chính quyền cần rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Khắc phục tư tưởng "3 không" đó là "không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng", vừa làm, vừa nghe ngóng

    Tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, xử lý nghiêm những cán bộ tham nhũng, nhũng nhiễu nhân dân. Loại bỏ tư tưởng cho rằng công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh khiến cán bộ sợ sai, không dám làm. Ủng hộ việc xây dựng hành lang pháp lý để cán bộ, đảng viên có điều kiện phát huy dũng khí cùng nội lực nhằm giải tỏa tâm lý "sợ sai", "sợ trách nhiệm"… trong thực thi công vụ. Tạo điều kiện cho những người tâm huyết, đặc biệt là người đứng đầu, phát huy được phẩm chất "6 dám": dám nghĩ - dám nói - dám làm - dám đổi mới sáng tạo - dám đương đầu với khó khăn, thử thách - quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung

    Như vậy, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, không "sợ sai", "sợ trách nhiệm" vì lợi ích chung là biểu hiện của chuẩn mực đạo đức, phẩm chất cao quý, là đòi hỏi khách quan của mỗi cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay

    Học tập Bác, cán bộ, đảng viên, phải ý thức rõ về trách nhiệm hoàn thành tốt bổn phận, chức trách được giao. Mỗi người cũng phải học Bác phẩm chất "nói ít, làm nhiều" để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mới đi vào thực chất.

Nguyễn Thiện Tình
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Liên hệ
UBND huyện Sơn Hòa
Địa chỉ: 19, Đường Trần Hưng Ðạo, Thị Trấn Củng Sơn, Huyện Sơn Hòa, Phú Yên
Điện thoại: 02573.640.288
Email: sonhoa@phuyen.gov.vn
Website: https://sonhoa.phuyen.gov.vn/