Cách đây tròn 50 năm, trong những ngày tháng Ba mùa Xuân năm 1975 lịch sử, hòa chung khí thế của toàn tỉnh, quân và dân huyện Sơn Hòa đồng loạt tiến công, nổi dậy, giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 24/3/1975. Phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, Đảng bộ, quân và Nhân dân huyện nhà đã đoàn kết một lòng, quyết tâm chung tay, góp sức cùng nhau xây dựng làm cho quê hương ngày càng phát triển.
Một góc thị trấn Củng Sơn ngày nay
Nhớ lại những ngày tháng Ba lịch sử, để chủ động phối hợp với quân và dân toàn miền Nam và của tỉnh thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 theo quyết định của Bộ Chính trị, quân và dân ba huyện Sơn Hòa, Miền Tây, Tây Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đã tích cực chuẩn bị vào trận đánh mới với khí thế tràn đầy niềm tin chiến thắng. Từ ngày 18 đến ngày 22/3/1975, trên địa bàn huyện diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Trưa ngày 22/03/1975, tiểu đoàn 96 thuộc Tỉnh đội Phú Yên bắt liên lạc với Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320 ở phía Tây quận lỵ Sơn Hòa, rồi tiến về phía Bắc quận lỵ, hình thành thế trận bao vây quân địch đang co cụm tại Củng Sơn. Lúc này, địch ở Củng Sơn có hiện tượng chuẩn bị tháo chạy, chỉ huy Trung đoàn 64 liền điện về Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 xin cho đơn vị tiến công địch bằng lực lượng hiện có và được chấp thuận. Đúng 13 giờ ngày 24/03/1975, Trung đoàn 64 nổ súng tấn công vào các mục tiêu của địch, làm cho quân địch hoang mang rối loạn ngay từ phút đầu. Sau đó, các mũi, các hướng quân ta đồng loạt xông lên.
Vào lúc 16 giờ, ngày 24/03/1975, qua đài kỹ thuật ta thu được tin chỉ huy địch ra lệnh cho thuộc cấp ở Củng Sơn hủy xe pháo và tháo chạy. Chớp thời cơ, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 64 và Tiểu đoàn 96 thuộc Tỉnh đội Phú Yên được hỏa lực yểm trợ cùng với du kích địa phương dẫn đường lần lượt đánh chiếm sân bay, khu hành chính, trường huấn luyện biệt kích và các mục tiêu khác. Trận đánh nhanh chóng kết thúc thắng lợi. 16h30 phút, ngày 24/03/1975, huyện Sơn Hòa hoàn toàn giải phóng.
Đường Trần Phú thị trấn Củng Sơn
Quá trình chống giặc ngoại xâm để lại trên vùng đất Sơn Hòa nhiều di tích cách mạng như: Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân và các cơ quan của tỉnh, huyện nằm rải rác ở nhiều xã và những chứng tích tội ác của kẻ thù như: Mộ tập thể tại Bắc Lý, Hòn Một-thị trấn Củng Sơn, Núi Lở-xã Phước Tân, Trại An Trí Trà Kê-xã Sơn Hội, Đá Bàn-xã Sơn Xuân… Nhiều tấm gương về lòng dũng cảm, hy sinh cao cả của tập thể, cá nhân trong Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân xuất hiện. Toàn huyện có 631 liệt sĩ, 188 thương, bệnh binh, 1.281 người tham gia hoạt động kháng chiến, 82 Mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và hàng nghìn đối tượng chính sách khác. Huyện Sơn Hòa và các xã: Sơn Long, Sơn Xuân, Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Định, Suối Trai và Sơn Hội được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác vì những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cánh đồng lúa nước xã Krông Pa
Sau khi đất nước được giải phóng, huyện Sơn Hòa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Toàn huyện không nơi nào là không có dấu vết bom đạn, đồng bào các dân tộc trở về quê hương cũ, với hai bàn tay trắng, đời sống vô cùng khó khăn, thiếu đói triền miên, Nhà nước phải thường xuyên cứu đói, cơ sở hạ tầng chưa có gì, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu; hộ đói, hộ nghèo ở mức cao, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ, quân và dân huyện Sơn Hòa khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh; đẩy mạnh sản xuất, tập trung ổn định đời sống cho nhân dân. Với vị trí quan trọng trong hành lang kinh tế Đông-Tây, là địa bàn trọng yếu về chiến lược quốc phòng-an ninh của tỉnh, những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân chung sức, đồng lòng, tập trung trí tuệ đưa ra nhiều quyết sách đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Kết thúc năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 6.861 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch; thu ngân sách đạt trên 111 tỷ đồng; toàn huyện có có 5/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13 tiêu chí/xã; có 206 doanh nghiệp đang hoạt động; giữ vững công nhận 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; huyện được công nhận phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; tỷ lệ thôn, buôn, khu phố văn hóa đạt trên 93%; giải quyết việc làm mới 1.895 lao động; toàn Đảng bộ huyện có 44 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 3.500 đảng viên; việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được quan tâm và tích cực triển khai vào hoạt động ở các cơ quan, đơn vị và địa phương…

Thị trấn Củng Sơn về đêm
Bước ra khỏi chiến tranh và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đến nay huyện Sơn Hòa đã phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo của một huyện miền núi với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên từng ngày. Qua đó, một lần nữa khẳng định truyền thống cách mạng bất khuất, kiên cường của mảnh đất Sơn Hòa anh hùng.