image banner
  
   
Đường 7 ngày ấy – bây giờ

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng chiến công hào hùng đập tan cuộc rút lui chiến lược của địch từ Tây Nguyên xuống đồng bằng trên đường 7 năm xưa không chỉ sống động trong ký ức của nhiều cựu chiến binh, cán bộ và người dân ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên), mà lịch sử mãi mãi tạc ghi.

 

1. Đường 7 được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, nhưng hơn nửa thế kỷ sau đó liên tỉnh lộ này vẫn nhỏ hẹp, mặt đường gập ghềnh uốn lượn vòng cung qua nhiều đồi dốc gập ghềnh, cỏ cây hoang dại choán chiếm ven lề, nương rẫy hai bên đường đều bị bỏ hoang, cư dân thưa thớt đìu hiu với những căn nhà sàn, nhà tranh xập xệ, có nơi nhà cửa bỏ hoang vì người dân chạy loạn.

50 năm về trước, đường 7 được ví như “con đường định mệnh” của quân đội Việt Nam Cộng hòa. 4 ngày sau quân giải phóng đánh chiếm Buôn Ma Thuột trong trận đánh mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, trưa 10/3/1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu triệu tập cuộc họp họp khẩn tại Cam Ranh với một số tướng lĩnh, ra lệnh rút quân theo đường số 7 xuống đồng bằng để cố thủ, chờ thời cơ phản kích. Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 đảm trách cuộc rút lui với hàng vạn sĩ quan, binh lính thuộc 6 Liên đoàn biệt động quân, Liên đoàn 20 công binh, 2 Thiết đoàn xe tăng, 4 Tiểu đoàn pháo binh, 1 Trung đoàn hậu cứ 40 cùng 3 Tiểu khu Gia Lai, Kon Tum, Phú Bổn nhốn nháo chen nhau.

Đại tá Trần Văn Mười – một nhân chứng lịch sử, Trưởng ban tác chiến Tỉnh đội Phú Yên lúc đó, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên trong thời bình, nhớ lại: “Đoán biết mưu đồ của địch, Quân ủy Trung ương và Quân khu 5 chỉ thị Sở Chỉ huy tiền phương Phú Yên triển khai phương án phối hợp bộ đội chủ lực truy chặn, đập tan cuộc rút lui chiến lược của địch. Theo đó, sáng 17/3/1975, Tiểu đoàn 96 hành quân ngược lên Củng Sơn, huyện Sơn Hòa khi Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 đang truy kích địch xuống đường 7”.

Tại cuộc họp núi Hương, xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Duy Luân Đại tá, Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu nhận định, khi bị Tiểu đoàn 96 chặn đánh ở Củng Sơn, địch sẽ rời đường 7 vượt sông Ba sang đường 5 ở huyện Tuy Hòa 1 vì nguồn tin trinh sát phát hiện địch tăng cường hỏa lực lên cứ điểm Hòn Kén ở xã Sơn Thành, mở đường từ đèo Giấy sang núi Mái Nhà rồi vận chuyển vật tư lắp đặt phà ra hữu ngạn sông Ba. Từ nhận định đó, đêm 18/3/1975, Tiểu đoàn 13 và du kích hai xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng tập kích xóa sổ cứ điểm Cầu Cháy của địch; Tiểu đoàn 9 cùng các Đại đội đặc công 202, 203; Đại đội 25, 377 ngược lên cứ điểm Hòn Kén, Hòn Sặc chặn đánh địch khi chuyển hướng từ đường 7 sang đường 5 và khống chế địch chi viện từ thị xã Tuy Hòa lên. Đến chiều 19/3/1975, bộ đội và du kích đã xóa sổ các cứ điểm của địch ở 5 xã thuộc huyện Tuy Hòa 1.Trong khi đó trên đường 7, Sư đoàn 320 chặn đánh địch tơi tả ở Cheo Reo, Thuần Mẫn, Phú Bổn, gần một vạn binh lính, sĩ quan thương vong, trên 500 xe quân sự phá hỏng. Thế nhưng trưa 19/3/1975, hơn hai vạn quân còn lại và gần 2.000 xe quân sự vẫn cố chen nhau tháo chạy xuống đồng bằng. Do bị truy kích quyết liệt nên địch bắc cầu phao tại Thạnh Hội, xã Sơn Hà để vượt sông Ba sang Hòn Kén, xã Sơn Thành, huyện Tuy Hòa 1, nhưng đã bị quân và dân Phú Yên chặn đánh tan tác lập nên chiến công đường 5 lịch sử.

Sinh thời, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Duy Luân từng chia sẻ, những trận đánh quyết tử trên đường 7, đường 5 của Sư đoàn 320 cùng với quân và dân Phú Yên không chỉ đập tan cuộc rút lui chiến lược của địch từ Tây Nguyên về đồng bằng, mà mở “cánh cửa” phía Đông giải phóng thị xã Tuy Hòa sáng 1/4/1975, bắt sống nhiều tướng, tá của địch tháo chạy sang địa bàn quận Hiếu Xương, trong đó có Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm…”.

Cuộc rút lui thảm hại của Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa đã được tái hiện một phần trong “Cuộc tháo chạy tán loạn” (The Decent Interval) của Frank Sneep, chuyên viên phân tích chiến lược tình báo CIA - Mỹ và tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” của Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy, cựu binh Sư đoàn 320 truy kích địch trên đường 7, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nguyên Tổng biên tập báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam.

 

2. Nhiều năm sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, đường 7 đổi thành tỉnh lộ 644 của tỉnh Phú Khánh nối với tỉnh lộ 667 của tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Hơn một năm sau khi tái lập tỉnh Phú Yên trên cơ sở chia tách tỉnh Phú Khánh, đầu tháng 8/1990, Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện có quyết định công nhận hai tỉnh lộ nêu trên là QL25 có tổng chiều dài hơn 180km, kết nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên.

Dòng chảy thời gian 50 năm kể từ khi cuộc rút lui chiến lược của địch trên đường 7 bị đập tan, dấu vết bom cày đạn xới năm xưa hai bên đường đã nhường chỗ cho màu xanh cây trái, lúa, ngô, sắn, mía và những khu dân cư, thị tứ với nhịp sống yên bình, hạnh phúc cùng những nhà máy, cụm công nghiệp, trường học… rộn rã niềm vui.

Ở độ tuổi 42, ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa sinh ra sau ngày đất nước thống nhất gần chục năm, nên khi nói về những thành tự kinh tế - xã hội vùng đất này, ông chia sẻ rất chân tình: “Một hành trình dài nửa thế kỷ tổng hòa sức mạnh ý Đảng, lòng dân cùng với sự nỗ lực tích cực của các bậc cha anh xây dựng Sơn Hòa từ khó khăn, gian khổ. Thế hệ chúng tôi là những người nối tiếp, cần phải đột phá, sáng tạo và quyết liệt nhiều hơn nữa để vượt qua những thách thức phía trước, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp mới, vươn tới những mục tiêu mới, tiếp tục xây dựng, đổi mới và phát triển diện mạo quê hương Sơn Hòa giàu đẹp”.

Trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng, nương rẫy, ruộng lúa, vườn cây trên vùng đất Sơn Hòa, mía là cây trồng chủ lực lớn nhất ở địa phương này và cũng là huyện đứng đầu về diện tích, năng suất và sản lượng mía – đường của tỉnh Phú Yên. Niên vụ 2023-2024, diện tích mía Sơn Hòa 16.471ha, năng suất bình quân gần 63 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 1 triệu tấn. Còn diện tích gieo trồng hai vụ lúa nước trong năm nay 2.515ha, tổng sản lượng 14.301 tấn thóc, năng suất bình quân 68 tạ/ha; tăng hơn so với năm trước về diện tích, năng suất và sản lượng. Ngoài cây mía và lúa, năm 2024 toàn huyện còn có 6.211ha sắn, khoai lang; 620ha đậu phộng, mè, dưa hấu, 514ha rau đậu các loại, 245ha cây dừa, cà phê, cao su, điều, tiêu và 675 cây ăn quả các loại. Bên cạnh cây trồng là vật nuôi với tổng đàn bò 23.676 con, đàn heo 23.800 con và đàn gia cầm 162.000 con.

Năm 2024, huyện Sơn Hòa đã thực hiện đạt và vượt 15/17 chỉ tiêu chủ yếu; tổng thu ngân sách hơn 110 triệu đồng, đạt 142% so với dự toán tỉnh giao và 125% so với dự toán huyện giao; tổng giá trị sản xuất 6.861 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2023, trong đó giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 1.500 tỷ đồng, giá trị công nghiệp, xây dựng 3.849 tỷ đồng, giá trị dịch vụ - thương mại hơn 1.512 tỷ đồng. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được các địa phương nỗ lực xây dựng nên đã có thêm 16 sản phẩm được công nhận và xếp hạng ba sao, nâng lên 40 sản phẩm OCOP. Ba chương trình mục tiêu quốc gia đã giải ngân hơn 156 tỷ đồng, đạt 93,8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,7%; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai thực hiện có hiệu quả từ tổng nguồn vốn giải ngân hơn 136 tỷ đồng, đạt 93,4%. Hạ tầng Cụm công nghiệp Ba Bản được quan tâm đầu tư, đã lập thủ tục cho 6 doanh nghiệp thuê đất để triển khai hoạt động, trên địa bàn huyện phát triển mới 19 doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 206 đơn vị. Ngoài ra huyện có 16 hợp tác xã kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa luôn được chú trọng; chất lượng giáo dục giữ vững và nâng cao; công tác khám, chữa bệnh đạt nhiều kết quả tốt với nhiều thiết bị hiện đại được vận hành; 93,15% khu dân cư văn hóa và hơn 96% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Quốc phòng – An ninh giữ vững ổn định, giao quân đạt 100% chỉ tiêu, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, an ninh miền núi - vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trật tự an toàn xã hội bảo đảm ổn định; tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm thiểu cả ba tiêu chí. Đề án 06 triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực trong cải cách hành chính và quá trình chuyển đổi số trên địa bàn…

Nhà báo PHAN THẾ HỮU TOÀN
Liên hệ
UBND huyện Sơn Hòa
Địa chỉ: 19, Đường Trần Hưng Ðạo, Thị Trấn Củng Sơn, Huyện Sơn Hòa, Phú Yên
Điện thoại: 02573.640.288
Email: sonhoa@phuyen.gov.vn
Website: https://sonhoa.phuyen.gov.vn/