Một ngày đầu tháng Chín, chúng tôi về vùng căn cứ kháng chiến của miền Tây Phú Yên để khảo sát, tìm hiểu một sự kiện lịch sửdiễn ra cách đây 52 năm ở Núi Lở thuộc thôn Ma Y, xã Phước Tân (trước đây là buôn Ma Tảng, xã Suối Ché). Sự kiện bi thương đó mãi mãi không thể nào quên đối với nhiều người dân nơi đây.
Đoàn chúng tôi xuất phát từ UBND xã Phước Tân bằng xe gắn máy, đi theo hướng Tây Nam để đến cuối thôn Ma Y. Đoạn đường đi chỉ ước chừng hơn hai cây số, nhưng mất khá nhiều thời gian, vì phần lớn là đường dốc, đất, đá lởm chởm, chỉ một đoạn ngắn được làm bằng bê tông, trận mưa mùa đêm hôm trước khiến đường ẩm ướt và trơn trượt hơn.
(Ông Ma Rành - Thôn Ma Y, xã Phước Tân)
Đến được chân núi, không có đường mòn, những chiếc xe máy không đi được nữa, chúng tôi phải bỏ xe lại và tiếp tục hành trình bằng đôi chân để vượt qua những cánh rừng rậm có độ dốc khá cao.
Gần một giờ đồng hồ, băng rừng, vượt dốc, chúng tôi cũng đã lên đến đỉnh núi. Núi Lở, ngọn núicó độ cao hơn 500m so với mặt biển. Đứng trên đỉnh cao có thể nhìn rõ một bên sườn phía bắc của núi phần lớn bị sạt lở, tạo nên các vực sâu hút, có lẻ vì vậy mà tên gọi Núi Lở đã được hình thành từ đây.
A Ma Ry, Bí thư chi bộ thôn Ma Y, người dẫn đường cho chúng tôi dừng lại bên một gốc cây lớn để cả đoàn nghỉ ngơi. Sẵn cái rựa dọn đường trong tay, anh chặt vài nhánh cây và kết lại thành cái ban nhỏ để đặt lễ vật cúng rừng. Lễ vật cúng cũng chỉ đơn giản là bánh ngọt, nước uống và mấy nén nhang. Sau khi anh La O Dược, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân đại diện cho đoàn làm xong các thủ tục theo tập quán của người dân nơi đây, các anh em chuyên môn tiến hành khảo sát, đo đạc, xác định vị trí, tọa độ, chụp ảnh để cùng nhau thống nhất mốc giới, diện tích đề xuất công tác quy hoạch và phục vụ cho việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích sau này.
Mọi việc hoàn thành thì cũng đã quá trưa, đoàn chúng tôi theo đường cũ trở về lại trụ sở UBND xã Phước Tân. Một buổi sáng vất vả, đoàn chúng tôi được anh em xã khoản đãi bữa cơm trưa chỉ đơn giản là cơm ăn với thịt gà kho sả ớt, vài cộng rau luộc, canh chua muối ớt vậy mà ai nấy cũng chén cho đến no nê.
(Bà Mó Cử, thôn Ma Y, xã Phước Tân)
Cơm nước xong, nghỉ ngơi tại chỗ, đoàn chúng tôi thảo luận thêm một số công việc buổi sáng, sau đó tiếp tục đi tìm gặp các nhân chứng còn sống sót sau vụ thảm sát năm ấy. Cũng tại thôn Ma Y, nằm cách trụ sở xã không xa, nhà ông Ma Rành nằm khuất sau cây dừng cổ thụ, ông nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân trước ngày giải phóng, tuổi nay đã trên 90. Ngồi dưới tán cây,Ma Rành từng lời một kể lại cho chúng tôi nghe những gì ông biết được về vụ thảm sát, cùng ông tiếp chúng tôi còn có Mó Cử 75 tuổi người trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng đau thương vàhãi hùng diễn ra trong ngày hôm ấy…
Ma Rành nhớ lại, bước sang năm 1970, tình hình cách mạng ở Phú Yên có nhiều chuyển biến thuận lợi. Tháng 2/1970, Đại hội đại biểu đảng bộ huyện Miền Tây lần thứ III được tổ chức. Nghị quyết Đại hội đề ra “Phát động phong trào thi đua sản xuất tự túc, tự cấp…Đồng thời tập trung lực lượng mở chiến dịch phá kềm, phá ấp đưa toàn bộ dân ở các ấp chiến lược trở về nhà cũ”. Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, lực lượng vũ trang huyện mở chiến dịch phá kềm, ngày 10/3/1970 tiêu diệt tên ác ôn Ma Ưng khét tiếng ở xã Cà Lúi làm cho bọn tề ngụy ở đây hoang mang dao động, tiếp đó đã đột kích đánh phá khu trung tâm Đồng Tre (Xuân Phước).
Trước sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng vùng căn cứ, kẻ thù điên cuồng có nhiều hành động phơi bày bộ mặt dã man của chúng. Trong thời gian này địch thay đổi chủ trương “Bình định cấp tốc” thành “Bình định đặc biệt”. Chúng tiến hành hàng trăm cuộc càn quét lớn nhỏ nhằm mục tiêu lấn chiếm, giành đất, giành dân. Bọn lính Nam Triều Tiên càn sâu vào vùng căn cứ Sơn Hòa, Miền Tây.Ngày 02/10/1970 tại trận càn diễn ra ở Núi Lở, thôn Ma Y chúng đã tàn sát, giết hại dã man 67 người đồng bào dân tộc thiểu số xã Phước Tân.
Chiến tranh đã lùi xa, và tuổi tác giờ đã cao, nhưng câu chuyện của 52 năm về trước vẫn khắc sâu trong ký ức của Ma Rành và Mó Cử, hai cụ già nước mắt rưng rưng khi nhớ đến từng hộ gia đình, từng người thân quen của mình đã ngã xuống trong trận càn năm ấy, thân thể, thịt da của họ không còn nguyên vẹn, xương cốt họ được người dân thu nhặt sau đó và cho vào gùi, bao tải rồi lấp chung cùng một hố.
Chia tay Ma Rành, Mó Cử và những người bạn Phước Tân trong cơn mưa chiều,mỗi người chúng tôi đều mang trong lòng một nỗi buồn khôn tả trên suốt chặng đường về. Sự đau thương, mất mác của chiến tranh không thể lấy gì bù đắpđược, chỉ có thời gian, tình người và khát vọng về một ngày mai hòa bình, tươi sáng mới hy vọng xoa dịu được nỗi đau, cho chúng ta thêm sức mạnh để có thể đi đến cuối cuộc hành trình./.
Nguyễn Thiện Tình