Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện Sơn Hòa luôn quan tâm làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Sơn Hòa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lượt, hàng nghìn người con thân yêu của quê hương Sơn Hòa đã lên đường nhập ngũ. Cùng với những chiến sỹ ngày đêm chiến đấu trên các chiến trường, biết bao đồng bào đã tham gia vào các phong trào đấu tranh chính trị, binh địch vận, thi đua sản xuất, nuôi dấu, che chở, bảo vệ cán bộ, cơ sở cách mạng gắn liền với những trận đánh không thể nào quên như: Trận đánh vào chi khu quận lỵ Củng Sơn tối ngày 18/6/1961 để giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ; trận đánh tại truôn Đá Chẹt, xã Sơn Xuân vào ngày 3/9/1961; trận đánh Núi Một, Củng Sơn ngày 9/11/1965; trận đánh Tết Mậu Thân ngày 4/3/1968, ta đánh vào chi khu quận lỵ Củng Sơn và khu dồn dân Sơn Hà; trận đánh ấp Bắc Lý, Củng Sơn tối ngày 19/6/1971…vv… Kể làm sao hết những tấm gương dũng cảm kiên trì bám trụ “một tất không đi, một li không rời” quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, những hình ảnh mà hôm nay nhắc lại, chúng ta không khỏi xúc động và tự hào về người dân và mảnh đất Sơn Hòa anh hùng, kiên cường, thủy chung. Biết bao người con ưu tú của quê hương đã ngã xuống hoặc mang thương tật suốt đời, những người cha, người mẹ, người vợ và những người con mãi mãi không thể gặp lại người thân yêu nhất của mình. Lịch sử cách mạng huyện nhà mãi mãi biết ơn và ghi danh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc của huyện đã hy sinh trong những cuộc đấu tranh đã được Nhà nước công nhận, suy tôn liệt sĩ.

Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Hòa tích cực thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với thương bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tham gia hưởng ứng các phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”. Cụ thể, hàng năm huyện đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt quản lý Nhà nước về chính sách xã hội, nhất là thực hiện Pháp lệnh Người có công, các Chỉ thị của Bộ, Ngành Trung ương và của tỉnh về chính sách đền ơn, đáp nghĩa. Do vậy, việc thực hiện các chính sách đối với người có công luôn được đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày thương binh, liệt sĩ hay các ngày lễ lớn của đất nước, ngoài việc tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng người có công được nhận quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, huyện và các xã, thị trấn đều tặng quà và tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như: đặt vòng hoa viếng nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức thắp nến tri ân vào ngày 27/7; thăm hỏi, động viên các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công ốm đau. Bà Nguyễn Thị Học-bệnh binh, vợ liệt sĩ ở xã Suối Bạc chia sẻ: “Hàng tháng, tôi được nhận đầy đủ các chế độ chính sách. Bên cạnh đó, vào dịp lễ, tết, gia đình tôi còn được cấp ủy, chính quyền các cấp đến thăm hỏi, tặng quà động viên. Tôi luôn căn dặn con, cháu phải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Hiện toàn huyện đã xét và đề nghị Nhà nước công nhận, suy tôn và tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho 631 Liệt sĩ, giải quyết chế độ cho trên 675 thân nhân Liệt sĩ; xác nhận và giải quyết chế độ Thương, Bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh cho 316 người; thực hiện trợ cấp cho 1.281 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; giải quyết chế độ cho 242 người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch tù đày; 98 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 03 cán bộ Tiền khởi nghĩa. 23 người có công giúp đỡ cách mạng. Tập trung triển khai có hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng, xác lập thủ tục, hồ sơ đề nghị Chủ tịch Nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 82 Mẹ, hiện nay chỉ còn 01 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Để ghi nhận công lao, thành tích trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc giải phóng đất nước, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Sơn Hòa và 07 xã: Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định, Suối Trai và Sơn Hội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó, huyện Sơn Hòa đã vận động quyên góp, đầu tư hàng tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm ở các xã, thị trấn. Toàn huyện có 13 Nhà bia ghi tên liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ huyện với 822 mộ được qui tập. Mộ tập thể liệt sĩ Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, việc tổ chức thăm viếng, dâng hương tưởng niệm vào các dịp lễ, tết được địa phương thực hiện thường xuyên. Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Linh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thời gian qua, huyện Sơn Hòa đã tích cực triển khai, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho những người có công với đất nước. Theo đó, hàng năm, từ nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện chi trả đầy đủ, nghiêm túc, bảo đảm công bằng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho các đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng theo quy định”.

Cùng các hành động thiết thực, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác thương binh liệt sỹ và người có công cũng được huyện Sơn Hòa quan tâm, chú trọng. Nội dung tuyên truyền tập trung vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân với tấm lòng nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu các em nhỏ là con thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ; thường xuyên biểu dương, tổ chức gặp mặt các gia đình thương binh, bệnh binh điển hình, làm kinh tế giỏi và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, đạo lí cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, huyện còn vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa để có điều kiện giúp đỡ các hộ gia đình chính sách mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương nên nhiều gia đình chính sách đã được tiếp cận và vay vốn ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để tăng gia sản xuất; nhiều thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển ở địa phương. Đặc biệt, nhiều gia đình còn gương mẫu tham gia hiến đất góp phần xây dựng nông thôn mới, tích cực phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Đồng chí Nay Y Blung-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho hay: “Việc chăm lo, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công là việc làm thường xuyên ở Sơn Hòa trong nhiều năm qua. Cụ thể là hàng năm, huyện đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, Tỉnh và Huyện cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu; công tác kiểm tra, rà soát và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công được quan tâm; các công trình ghi công liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp…vv… Đây là những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta nên việc làm này luôn nhận được sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên mỗi cán bộ, người dân địa phương đều nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc đền ơn đáp nghĩa. Qua đó, đã phần nào sẻ chia những hy sinh, mất mát đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh, động viên họ vượt qua khó khăn, bệnh tật. Đồng thời, cũng thúc đẩy thế hệ trẻ hôm nay phát huy tinh thần cách mạng của thế hệ cha ông đi trước, cống hiến sức trẻ, góp phần xây dựng Sơn Hòa-một vùng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thời gian đến, huyện Sơn Hòa sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh liệt sỹ và người có công cách mạng; tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ còn tồn đọng; đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; động viên các gia đình chính sách tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vươn lên bằng ý chí, nghị lực của bản thân, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao mức sống. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện trong học tập, đào tạo thế hệ con, cháu liệt sỹ, thương binh, bệnh binh trở thành những cán bộ, người lao động có đủ đức, đủ tài tiếp nối sự nghiệp cách mạng của cha anh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những nhân tố mới, điển hình mới là các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã tự lực tự cường vươn lên trong sản xuất kinh doanh, học tập, công tác, trở thành “Người công dân kiểu mẫu” và “Gia đình cách mạng gương mẫu”.
NGỌC TÂN