Cách Thành phố Tuy Hòa hơn 40 km về phía Tây, huyện miền núi Sơn Hòa vẫn còn đó vẻ hoang sơ với núi non trùng điệp, với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc mà nhiều người trong chúng ta chưa từng được trải nghiệm, khám phá.
Sơn Hòa là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Phú Yên với diện tích tự nhiên trên 952km2, dân số trên 59 nghìn người. Huyện có 14 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 13 xã. Nhân dân trong huyện chủ yếu làm nông nghiệp với việc trồng mía và chăn nuôi bò. Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với sự tập trung đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ thông qua các chương trình 134, 135 cho các xã đặc biệt khó khăn và các dự án đầu tư trực tiếp của tỉnh và các doanh nghiệp trong và ngoài huyện cho nên nền kinh tế của huyện có sự tăng trưởng đáng kể, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ rệt. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 14%; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới 3,1%. Nền kinh tế huyện nhà tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có hiệu quả. Có được kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong huyện.
Du khách tham quan Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định
Toàn huyện có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 34% dân số; chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Chăm H’roi, Ba Na, Tày, Gia Rai... Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng về phong tục, tập quán tạo nên sự phong phú, đa dạng về không gian văn hóa. Về nghệ thuật kiến trúc có nhà dài, nhà sàn, nhà mồ. Ngành nghề truyền thống có dệt vải, đan lát, rèn, rượu cần. Trang phục, trang sức của người đồng bào dân tộc thiểu số khá phong phú về chủng loại, đa dạng về hoa văn. Về ẩm thực có các món ăn lấy nguyên liệu từ thiên nhiên, đậm đà hương vị đặc trưng. Về văn học nghệ thuật dân gian có nhiều thể loại dân ca, sử thi, hát ru, diễn tấu cồng chiêng, múa dân gian, múa xoang… Về tín ngưỡng, lễ hội có các vị thần giữ vai trò đặc biệt trong đời sống tâm linh. Các lễ hội truyền thống thường gắn với nghi lễ tôn vinh, tạ ơn các vị thần linh.
Thị trấn Củng Sơn nhìn từ trên cao
Với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, văn hóa gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, ngành chức năng của huyện đã tổ chức nhiều cuộc điều tra, sưu tầm, phục dựng lại một số giá trị văn hóa phi vật thể và các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như lễ hội đâm trâu, lễ cúng bỏ mả, lễ cúng bến nước, lễ cúng về nhà mới... Địa phương cũng mở các lớp dạy tiếng Ê Đê, dạy dệt vải, thi bắn nỏ, cà kheo, trình diễn trang phục, trình tấu cồng chiêng, múa xoang... cho người dân địa phương cũng như tham gia trong các hoạt động văn hóa của tỉnh. Đặc biệt, một số lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được duy trì, như trình tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, múa xoang tại các xã Krông Pa, Cà Lúi, Ea Chà Rang; tổ chức thi dệt thổ cẩm tại xã Suối Trai để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong nhân dân và phục vụ khách tham quan. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống người đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa gắn với hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Đánh cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc
Với quyết tâm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, huyện Sơn Hòa đã ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030. Chương trình này đã được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị địa phương và có sự đồng thuận cao giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư, phát triển du lịch. Nhờ vậy chỉ trong thời gian ngắn, ngành du lịch đã có sự đóng góp quan trọng trong giá trị về dịch vụ, thương mại của huyện. Số lượt khách đến tham quan, du lịch tăng lên từng năm. Trong đó nỗi bật có Cao nguyên Vân Hòa với độ cao trung bình 400 mét so với mặt nước biển. Nơi đây có khí hậu ôn hòa và đa dạng về các loài động, thực vật rừng, nhiều vườn cây ăn quả, cao su và cà phê. Trong kháng chiến chống Mỹ, Cao nguyên Vân Hòa được Tỉnh ủy Phú Yên chọn làm căn cứ kháng chiến. Đến năm 2008, khu di tích gồm Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tuyến du lịch cao nguyên Vân Hòa đã được khai trương vào năm 2020.
Đánh trống đôi chiêng 5 tại Lễ khai trương tuyến du lịch Cao nguyên Vân Hòa
Ngoài khu di tích căn cứ kháng chiến nêu trên, Sơn Hòa còn có nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh đó là Địa điểm quản thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trận đánh vào chi khu quận lỵ Củng Sơn giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần thứ hai, Mộ liệt sĩ tập thể Bắc Lý, Địa điểm diễn ra trận đánh Núi Một; Địa điểm diễn ra trận đánh Đá Bàn; Đền thờ Tiền Hiền thị trấn Củng Sơn, Đền thờ Tiền Hiền Nguyễn Cả; trại An Trí Trà Kê. Các di tích này đã được đưa vào quy hoạch để bảo vệ, phục dựng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ và là những điểm đến tham quan của du khách. Bên cạnh đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao BB Farm tại xã Sơn Long; các điểm tham quan vườn cây đỏ tại các xã Sơn Xuân; điểm đến Long Vân, điểm dừng chân Sơn Định và một số điểm tham quan khác như thác Hàn, suối Đá Sơn Xuân, vực Đá nhà Sơn Long; suối Khế Sơn Định… đã nhanh chóng có tên trong cẩm nang du lịch của du khách.
Du khách thích thú với trái đỏ xã Sơn Xuân
Huyện Sơn Hòa đã và đang thực hiện phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, bản sắc văn hóa các dân tộc; phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách du lịch đạt trên 137.000 lượt người. Để thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch trên địa bàn; hình thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng, xây dựng đề án bảo tồn và phục dựng lại một số giá trị văn hóa dân tộc. Từng bước hình thành đội ngũ những người làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch của huyện.
Tổ chức đua ghe-thuyền rồng vào mùng Sáu Tết hàng năm
Thời gian qua, huyện Sơn Hòa cũng đã hỗ trợ vốn khuyến công để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đã có thương hiệu; tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quảng bá và kinh doanh giới thiệu sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng, những món ăn đặc sản dân giã. Nhờ vậy, hiện nay một số sản phẩm ẩm thực đặc trưng của địa phương được du khách ưa chuộng như: mắm thơm, bò một nắng, gà vườn, rượu cần, rượu trái đỏ... Ngoài ra đến Sơn Hòa du khách còn có thể thưởng thức các món ăn độc đáo khác của đồng bào dân tộc thiểu số như; canh cà nút áo kho với lá sắn và măng tươi; thịt heo nướng lụi, nướng trong ống lồ ô; cà xóc gan bò tươi, bóp dé với kiến vàng, Bò nướng lá Teng leng, cà rẩy om ốc suối, Món gà kho mắm thơm, Lá sắn kho.
Xã Suối Trai thường xuyên tổ chức hội thi dệt thổ cẩm để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống
Với nhiều tiềm năng được thiên nhiên ban tặng cùng bề dày lịch sử văn hóa và con người hiếu khách, du khách hãy một lần về huyện miền núi Sơn Hòa để khám phá, tìm hiểu, hòa mình vào các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số và thưởng thức những giá trị văn hóa và sức sống nơi đây.
NGỌC TÂN