HUYỆN SƠN HÒA TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG “NGÀY ASEAN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE” LẦN THỨ 14 - NĂM 2024
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính nguy hiểm, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Muỗi vằn thường đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch như: chum vại, bể chứa nước mưa; các đồ vật chức nước trong gia đình như: bình hoa, cây cảnh,…; các đồ vật phế thải như: lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, vỏ gáo dừa, các vũng nước đọng, các hóc chứa nước tự nhiên,… là những vật dụng xung quanh mỗi chúng ta.
Trứng muỗi phát triển thành bọ gậy (lăng quăng) rồi thành muỗi trưởng thành trong vòng từ 7 – 10 ngày. Do đó, hoạt động diệt muỗi, bọ gậy cần tiến hành hàng tuần “Mỗi tuần mỗi hộ dành 10 phút để tổng vệ sinh diệt bọ gây, loăng quăng, diệt muỗi”.
Bệnh Sốt xuất huyết có thể gây thành dịch lớn và tỷ lệ tử vong cao, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Tại Phú Yên 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 877 ca mắc Sốt xuất huyết Duengue, không có ca tử vong. Ca bệnh xuất hiện ở cả 9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có những địa phương có số ca mắc cao như huyện Tây Hòa, TX Đông Hòa, huyện Sông Hinh, riêng Sơn Hòa ghi nhận 24 ca.
Thực hiện công văn chỉ đạo của Sở Y tế và Kết luận giao ban thường kỳ tháng 5 của UBND huyện Sơn Hòa về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết và hưởng ứng “ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” lần thứ 14 năm 2024 trên địa bàn;
Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa xây dựng kế hoạch 708/KH-TTYT ngày 20/5/2024 V/v hưởng ứng “ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” lần thứ 14 năm 2024. Thời gian triển khai: Từ ngày 06/06/2024- 20/06/2024. Đồng loạt trên 14/14 xã, thị trấn.
Là cơ quan tham mưu chính về phòng chống dịch bệnh ở địa phương, các Trạm Y tế xã và Phòng DS - TTGDSK – YTCS đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu với UBND các xã/thị trấn chỉ đạo các Ban, Ngành, Đoàn thể phối hợp ra quân triển khai các hoạt động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch, bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết” hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết” lần thứ 14 - năm 2024.
Đồng thời ngành y tế đã tham mưu triển khai các nội dung khác như treo băng rôn, tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại Trạm y tế thông qua các hình thức khám bệnh, tư vấn sức khỏe hoặc tuyên truyền qua loa di động, loa truyền thanh xã, Thị trấn, Đài truyền thanh & Truyền hình huyện.
Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe xã/Thị trấn huy động Chi Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Nông dân… đã ra quân tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tự tổng vệ sinh diệt muỗi, diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom phế thải, diệt muỗi, diệt bọ gậy/lăng quăng …. và các hoạt động thiết thực khác để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Qua kết quả 15 ngày đầu của chiến dịch: 14/14 xã, Thị trấn trên địa bàn huyện đã ra quân triển khai các hoạt động hưởng ứng
Tổng số nhân lực tham gia 246 người (Y tế 127; Ban ngành khác 119)
Tổng số hộ gia đình được TVS 9.074 /16.876 hộ, đạt tỷ lệ 53,8 %
Tổng số dụng cụ chứa nước có bộ gậy được xử lý: 601 / 17312 dụng cụ.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, với thời tiết tháng 6 đến tháng 11 hàng năm có mưa nhiều, tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng vì hiện đang bước vào mùa cao điểm của dịch bệnh. Do vậy, công tác phòng-chống dịch bệnh sốt xuất huyết cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân trong các hoạt động phòng- chống.
Để cùng chung tay đẩy lùi Sốt xuất huyết, nhân hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết năm 2024, với thông điệp “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch, bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”, Ngành Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục tích cực chung tay thực hiện các biện pháp sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng.
Một vòng đời của muỗi cái có thể đẻ từ vài chục đến vài trăm trứng. Do đó, các hộ gia đình có thể thả cá nhỏ, cá bảy màu hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) hàng tuần. Có thể dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở mép nước.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh nước đọng. Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.
- Đối với những dụng cụ chứa nước như khay nước tủ lạnh, bát nước kê chạn hoặc tủ đựng chén bát... thì người dân có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng.
- Bình cắm hoa, dụng cụ chứa nước chăn nuôi… phải thường xuyên được thay nước và cọ rửa.
- Lấp đầy các ổ nước bằng đất, đá hoặc tháo cạn nước trong các ổ nước.
- Phát quang cây cối, bụi rậm: Vừa làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm, vừa phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.
- Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh, lấp các hỗ nước đọng.
Trên phương châm “Không có muỗi vằn, không có bọ gậy, không có Sốt xuất huyết”, bằng những việc làm rất đơn giản hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình sẽ cùng nhau loại trừ được bệnh Sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.