image banner
   
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY MỘT SỐ GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

    Sơn Hòa là huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, có vị trí chiến lược về quốc phòng và an ninh, diện tích tự nhiên 95.231 ha. Dân số toàn huyện 59.908 người, trong đó, có 22.235 người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 37,1% so với dân số trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 13 dân tộc thiểu số: Êđê, Chăm Hroi, Bana, Tày, Nùng, Dao, Khơme, Bacô, Rắclay, Giarai, Xtiêng, Chơru, Thái; trong đó, có 03 dân tộc thiểu số có dân số khá đông là Ê đê, Chăm Hroi, Bana cùng chung sống lâu đời, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa đặc trưng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa huyện nhà.

    Từ lâu, dệt thổ cẩm đã trở thành nghề thủ công mang đậm nét văn hóa, truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào dân tộc Ê Đê, thổ cẩm là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ đơn thuần là một tấm vải bình thường mà còn chứa đựng giá trị văn hóa riêng của dân tộc. Theo đó, bất cứ cô gái Ê Đê nào khi lớn lên đều được các mẹ, các bà bày cho cách dệt thổ cẩm, để dệt cho mình những bộ váy và cho cả gia đình của mình sau này. Vì thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được giữ gìn, lưu truyền qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình và góp phần tạo nên nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê.

    Tuy nhiên, hiện nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước tình hình đó, để tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt truyền thống của người Ê Đê, thu hút sự quan tâm của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, thời gian qua, các cấp ngành huyện phối hợp thực hiện Tiểu dự án 3 của Dự án 5 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi (trong đó có nghề dệt thổ cẩm).

anh tin bai

    Chị R Chăm Hờ Cái  (Mí Hữu), sinh năm 1990 tại thôn Thống Nhất, xã Suối Trai là một tấm gương trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

    Mí Hữu đặc biệt quan tâm đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ năm 2017 thông qua Hội thi dệt thổ cẩm do Hội LHPN xã tổ chức. Chị chia sẻ: “Bản thân lúc đó còn trẻ nên quyết định phải cố gắng học lấy nghề dệt truyền thống này sợ sau này những người lớn qua đời không có ai chỉ dạy nữa. Sau đó, chị mới bắt đầu  học từ Mẹ và các Bác xung quanh, nhờ đó bản thân đã cơ bản biết được những đường nét dệt cơ bản”.

    Năm 2023, được biết Trường trung cấp nghề thanh niên dân tộc Phú Yên, Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp UBND - Hội LHPN xã tổ chức lớp sơ cấp nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho người đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. Chị đã trực tiếp vận động 30 chị em tham gia với mong muốn học tập các nội dung cơ bản về nghề dệt thổ cẩm; các nguyên vật liệu, dụng cụ dệt thổ cẩm; cách phối họa tiết đặc trưng của đồng bào dân tộc Êđê; cách dệt những sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, túi đeo… truyền thống. Qua đó, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc Êđê; đồng thời có thể tạo ra các sản phẩm thường dùng phù hợp thị hiếu thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số.

    Phó chủ tịch Hội LHPN huyện – Nguyễn Trần Lê Uyên cho biết: “Bản thân Mí Hữu cũng như gia đình chị luôn luôn vận động nhau thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không vi phạm pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động chị em hội viên phụ nữ thực hiện tốt các nội dung và tiêu chí thi đua. Hằng năm, gia đình Mí Hữu đều được công nhận gia đình văn hóa; được Hội LHPN huyện tặng giấy khen hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

    “Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống” được xem là một trong những nhiệm vụ cần thiết để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 08/7/2020 của HĐND huyện về đề án Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa gắn với hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030./.

Lý Tâm
THÔNG TIN LIÊN HỆ
UBND huyện Sơn Hòa
Địa chỉ: 19, Đường Trần Hưng Ðạo, Thị Trấn Củng Sơn, Huyện Sơn Hòa, Phú Yên
Điện thoại: 02573.640.288
Email: sonhoa@phuyen.gov.vn
Website: https://sonhoa.phuyen.gov.vn/